Bài toán khó cần phải giải
Ở vai trò nhà đào tạo và đơn vị tổ chức thì một trong những bài toán quan trọng cần phải giải đó là: Làm thế nào để việc học của mỗi học viên trở thành quá trình khám phá tự nguyện của chính họ.
Lợi ích khi làm được điều này là:
Ở góc độ người học:
Nếu làm được điều này sẽ giúp cho người học tự sản sinh ra năng lượng tích cực để thúc đẩy việc tiếp nhận kiến thức, đưa vào thực hành ngay và tạo ra sự chuyển đổi nhanh chóng.
Không những thế, quá trình khám phá tự nguyện này giúp người học cởi bỏ những “xiềng xích” trong tư duy, chủ động khám phá tri thức từ đó hiểu sâu nhớ lâu hơn, giúp cho sự tò mò được “cởi chói”, sự sáng tạo được “thăng hoa”, tri thức sẽ được mở rộng đa chiều, góp phần tạo nên sự thay đổi ngoạn mục của chính họ.
Ở góc độ nhà đào tạo:
Nhà đào tạo sẽ đỡ vất vả trong quá trình điều phối, hướng dẫn và thúc đẩy sự thay đổi của học viên. Vì nếu học viên với tâm thế bị ép buộc để học, họ sẽ cảm thấy bị áp lực và dễ chán nản.
Từ đó nguồn năng lượng “tiêu cực” lây lan sang nhưng người học viên khác. Khi đó, nhà đào tạo có tài giỏi tới đâu cũng sẽ rất khó vực dậy tinh thần học của mỗi học viên.
Hãy nhớ, nguồn nguồn năng lượng được đóng góp, tái tạo liên tục từ mỗi học viên chính là nguồn năng lượng không bao giờ cạn. Cho nên nhà đào tạo cần nắm các phương pháp tâm lý, các chiến lược điều phối để giúp người học trở thành người “đồng sáng tạo năng lượng” với mình.
Ở góc độ doanh nghiệp:
Giúp các doanh nghiệp khi triển khai sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngân sách, chi nhưng không hề phí, đào tạo đúng người đúng thời điểm.
Đảm bảo kế hoạch đào tạo, phát triển năng lực nhân sự đi theo đúng mục tiêu tổ chức đề ra, tạo tiền đề giúp các mục tiêu quan trọng khác của tổ chức được thực thi.
Đây là tiền để để tạo ra một tổ chức học tập thực sự trong doanh nghiệp. Sẽ chẳng thể có 1 tổ chức học tập hiệu quả khi người học miễn cưỡng phải đi học, bị ép phải ngồi tham dự để cuối khóa có chứng chỉ mang về báo cáo cấp trên, đảm bảo “KPI học”.
Vậy làm cách nào để biến việc học của mỗi học viên trở thành quá trình khám phá tự nguyện:
Ở khía cạnh người học:
Người học cần xác định rõ động cơ học. Vì sao lại đi học, học để làm gì?
Chẳng hạn học để gia tăng cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, học để nâng cao kiến thức, kỹ năng và cũng có những động cơ rất "dễ thương" là đi học học vì bạn mình cũng đi học, học để khỏi thua đồng nghiệp, học để bù lại khoảng thời gian chỉ biết làm mà không được đi học...
Dù động cơ đó là gì đi chăng nữa, quan trọng hoặc ít quan trọng thì chí ít là người đi học cần có cho mình ít nhất 1 động cơ để đi học. Và việc đó người học tự làm sẽ là điều tốt nhất, vì người học là người biết rõ bản thân mình nhất.
Ở phần này tôi thường cho học viên làm đánh giá năng lực, khảo sát nhu cầu và mức độ cần thiết trước khoá học thông qua mô hình câu hỏi DESIRE.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều trường hợp trước khi vào chương trình họ không có hoặc không rõ động cơ học tập, nhưng thông qua các hoạt động trải nghiệp và các phương pháp của chuyên gia ở đầu chương trình họ có thể nhận ra động cơ.
Ở khía cạnh doanh nghiệp cần có những quy trình để phân tích, đánh giá năng lực, đưa ra lựa chọn đối tượng học phù hợp vào đúng giai đoạn, đúng thời điểm, đúng chương trình.
Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ tập trung vào khía cạnh là nhà đào tạo. Nên không đi sâu mục này.
Ở vai trò là nhà đào tạo:
1. Cần thiết kế chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế của người học: bao gồm cả phương pháp, công cụ, case study… và các hoạt động trải nghiệm trong chương trình.
2. Vào khóa học, việc đầu tiên nhà đào tạo cần làm rõ 1 lần nữa động cơ của học viên, làm được điều này thì ta đã có được tầm 30% thành công của khóa học rồi.
Sau đó, giúp học viên nhận rõ vấn đề gặp phải, và tự viết ra những mục tiêu học tập cách rõ ràng. Đồng thời xác định khoảng cách giữa nơi học viên “đang là” với nơi học viên “muốn được là”.
Để giúp học khắc sâu mục tiêu đó, hãy cho họ trình bày mục tiêu chéo với những học viên khác, rồi dán mục tiêu đó lên để dù họ ở vị trí nào trong khán phòng cũng đều có thể nhìn thấy dễ dàng. Luôn bám sát mục tiêu, hành động dựa trên mục tiêu, đánh giá dựa trên mục tiêu…có như vậy mới tạo ra kết quả ngay trong khóa học được.
3. Tạo ra môi trường học tập “thuận lợi” và “thú vị”.
Để có được điều này thì chính bản thân nhà đào tạo cần có 1 tư duy phù hợp về quan hệ giữa nhà đào tạo và người học.
Nhà đào tạo bây giờ không còn ở vị trí trung tâm của khóa học, không còn là một người kiểm soát hay một hình mẫu duy nhất cho mọi học viên, mà chuyển thành người điều phối – người tạo ra 1 môi trường thuận lợi để người học phát huy khả năng sáng tạo và đẩy mạnh sự chủ động tự khám phá của mỗi học viên.
Hãy giúp học viên ngưỡng mộ chính họ vì sự thay đổi mang chiều hướng tích cực của họ. Còn nếu kết thúc khóa học mà học viên chỉ "ngưỡng mộ tài năng của nhà đào tạo" thôi thì nhà đào tạo chưa hoàn thành vai trò của mình.
4. Đánh giá và phản hồi xây dựng:
Nhà đào tạo nên đánh giá và cung cấp phản hồi xây dựng cho người học để họ có thể biết được mình đã tiến bộ đến đâu và nên cải thiện như thế nào trong quá trình học tập. Mặt khác, cần khuyến khích học viên phản hồi chéo cho nhau. Đây là việc rất quan trọng, giúp người học học từ bạn học, học từ lỗi sai của người khác, học từ sự tiến bộ của người khác.
Bình Luận